Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là trường hợp đặc biệt của khởi tố vụ án hình sự, trong đó cơ quan, người có thẩm quyền xác định được có hành vi phạm tội trên cơ sở các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, kết quả kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, nhưng chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu khởi tố của bị hại trong một số trường hợp pháp luật tố tụng hình sự quy định và phải đình chỉ điều tra, hoặc đình chỉ vụ án khi bị hại rút yêu cầu khởi tố trong những trường hợp do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Các loại tội chỉ bị khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật TTHS:
“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”
Tại sao chỉ được khởi tố vụ án tại khoản 1 đối với một số tội phạm quy định như trên?
Theo Điều 62 BLTTHS quy định về chủ thể yêu cầu khởi tố vụ án hình sự bao gồm:
“Điều 62. Bị hại
Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.”
Cá nhân bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản: Cá nhân trực tiếp chịu thiệt hại do tội phạm gây ra có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín: Các cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản hoặc uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra cũng có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Những tội phạm thuộc phạm vi của Điều 155 có yếu tố khách thể chủ yếu xâm phạm tới quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân và quyền sở hữu công nghiệp của tố chức, cá nhân.
Các loại tội nêu trên đều có tính chất nguy hiểm không cao cho xã hội và chủ yếu ảnh hưởng tới cá nhân là bị hại và nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, bảo đảm ý chí tự do của bị hại trong việc có muốn khởi tố người gây ra hành vi phạm tội với mình hay không nên pháp luật quy định người bị hại có quyền khởi tố vụ án hình sự và rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với các loại tội phạm quy định tại Điều 155 BLTTHS.
Do bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố và khoản 1 của các tội phạm nêu trên có tính chất nguy hiểm không cao cho cộng đồng và trật tự an toàn xã hội, là các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu công nghiệp của bị hại và không có các tình tiết tăng nặng nên phạm vi khởi tố của người bị hại chỉ thuộc khoản 1 của các tội phạm nêu tại Điều 155 BLTTHS chứ không phải các khoản có mức độ nghiêm trọng cao hơn nhằm tránh việc bỏ lọt tội phạm gây ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội.
Hậu quả của việc bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố.
Căn cứ khoản 2 Điều 155 BLTTHS:
“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.”
Như vậy nếu như bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án sẽ được đình chỉ và cũng có nghĩa là người thực hiện hành vi phạm tội có thể sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật TTHS không quy định cụ thể thời điểm người có quyền yêu cầu khởi tố được rút yêu cầu của mình. Vì thế người đã yêu cầu khởi tố có thể rút yêu cầu vào thời điểm ngay sau khi yêu cầu trong giai đoạn điều tra truy tố hoặc chuyển bị xét xử sơ thẩm hoặc tại phiên tòa sơ thẩm.