Căn cứ pháp lý xác định hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả
Theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2022.NĐ-CP (văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BCT ngày 24/02/2022):
“7. “Hàng giả” gồm:
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;”
Căn cứ quy định trên, hàng hoá bị xem là “hàng giả” khi có đầy đủ các dấu hiệu sau:
a. Các chỉ tiêu được kiểm nghiệm phải là:
– Các chỉ tiêu chất lượng; hoặc
– Đặc tính kỹ thuật cơ bản; hoặc
– Định lượng chất chính.
b. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy chỉ tiêu kiểm nghiệm phải kết quả dưới 70% trở xuống so với tiêu chuẩn tối thiểu đã đăng ký, công bố áp dụng và ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
c. Các chỉ tiêu, tiêu chuẩn này phải tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa.
Theo Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP (văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BCT ngày 24/02/2022) về hành vi sản xuất hàng giả thì mức phạt hành chính cao nhất nêu tại điểm e khoản 1 và khoản 2:
“Điều 10. Hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng
1. Đối với hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
e) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây:
a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;”
Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm về “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Bộ luật hình sự
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” tại Điều 192, trong đó:
Về mặt chủ thể: Chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là chủ thể thường, bất cứ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự; pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Về mặt khách thể: Khách thể xâm hại của tội phạm này là hoạt động quản lý thị trường của Nhà nước đối với việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại hàng hóa được phép sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng trên thị trường, đồng thời là quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh hàng hóa và người tiêu dùng.
Về mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Chủ thể thực hiện tội phạm nhận thức rõ mặt hàng mà mình sản xuất, buôn bán là hàng giả nhưng vẫn cố tình và mong muốn thực hiện tội phạm vì mục đích trục lợi.
Về mặt khách quan: Điều luật quy định hành vi khách quan của tội phạm này gồm 02 loại hành vi là sản xuất hàng giả và buôn bán hàng giả.
Hành vi sản xuất hàng giả là hành vi tạo ra các loại sản phẩm, hàng hóa giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu, hàng hóa của cơ sở sản xuất, buôn bán khác đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, hoặc đã được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, bao gồm việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả.
Buôn bán hàng giả là hành vi mua đi bán lại loại hàng hóa biết rõ là giả nhằm thu lời bất chính. Hành vi này bao gồm việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả đều bị truy tố về tội danh này. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có các tội danh riêng quy định hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195). Do đó, khoản 1 Điều 192 quy định loại từ đối với các hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của các điều luật trên.