Câu hỏi:
Đối với người lao động trước khi ký HĐ chính thức và được đóng BHXH thì doanh nghiệp muôn ký hợp đồng đào tạo nghề 06 tháng và không đóng BHXH trong thời gian này. Vậy doanh nghiệp có vi phạm không?
Và liên quan đến luật thuế TNCN, trong thời gian thử việc/học nghề không đóng BHXH, thì thuế TNCN sẽ đóng như thế nào?
Trả lời:
Ký hợp đồng học nghề 6 tháng có vi phạm pháp luật không?
- Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“1. Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp;
2. Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.”
Theo quy định này thời gian học nghề sẽ phụ thuộc vào từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và thời gian tập nghề là không quá 03 tháng.
- Điều 40 và điều 41 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì việc học nghề thuộc chương trình đào tạo thường xuyên và thời gian đào tạo được thực hiện theo yêu cầu của từng chương trình, bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng người học.
Như vậy, trong trường hợp người lao động khi ký hợp đồng đào tạo với Quý Công ty là người đã được đào tạo và có chứng chỉ về chuyên môn, thực hành công việc theo vị trí làm việc thì thuộc trường hợp tập nghề và thời gian tập nghề không quá 03 tháng.
Trong thời gian ký hợp đồng học nghề 6 tháng không đóng BHXH có vi phạm không?
Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.”
Như vậy, trường hợp ký hợp đồng đào tạo học nghề hoặc tập nghề không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong thời gian thử việc/học nghề không đóng BHXH, thì thuế TNCN sẽ đóng như thế nào?
- Khoản 5 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.”
- Khoản 2 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi bổ sung 2012 quy định về các khoản thu nhập chịu thuế bao gồm:
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ
c) Tiền thù lao dưới các hình thức;
d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;
đ) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền;
e) Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Như vậy, trường hợp ký hợp đồng đào tạo học nghề hoặc tập nghề và được trả lương, trả công (mục đ) đến mức đủ điều kiện nộp thuế TNCN theo quy định thì vẫn phải đóng thuế TNCN.